Trong “Cư trần lạc đạo phú” (Bài phú Sống đời vui đạo), Phật hoàng Trần Nhân Tông viết: Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Nhà nghiên cứu Phật học Lê Mạnh Thát đã nhận xét “ Với Trần Nhân Tông, Phật giáo là cuộc sống không có gì tách biệt, bởi Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lí. Mà chân lí thì không nằm trong Phật giáo, mà nằm ngay giữa lòng cuộc sống”. Tôi đã tình cờ đọc bài phú của Trần Nhân Tông, đọc ý kiến của nghiên cứu Phật học Lê Mạnh Thát và ngộ ra: Qủa đúng như vậy! Hóa ra bản thân mình ngày càng điềm đạm hơn trong cuộc sống chính từ việc thấm nhuần những giá trị nhân văn của đạo Phật.

Người ta hay quan niệm rằng muốn hiểu đạo Phật hãy vào chùa để tĩnh tu. Nhưng với riêng tôi và có lẽ với nhiều người, thời gian, công việc cơm áo gạo tiền của cuộc sống mưu sinh chưa cho phép mình có thể đi chùa để tĩnh tu. Vậy đơn giản chỉ là thông qua các bài thuyết pháp của các bậc chân tu trên các trang mạng xã hội, tôi đã tiếp cận được với Phật giáo. Để một ngày tình cờ, tôi đọc được cuốn sách Từng bước nở hoa sen của Thiền sư Nhất Thích Hạnh. Vốn chẳng phải là một Phật tử, nhưng cái tên ông không còn xa lạ với riêng tôi. Bởi trước đó tôi cũng đọc, cũng biết vài nét về cuộc đời ông và lúc ông viên tịch tại chùa Từ Hiếu của thành phố Huế.  Như một mối nhân duyên, những bài kệ trong cuốn sách mà tôi đọc lúc rảnh rỗi, những giờ được giải lao trong các giờ đứng lớp học đã thấm dần trong tư tưởng. tâm trí tôi. Tôi bắt đầu thay đổi. Thay đổi cách nhìn người, nhìn đời và đặc biệt là tính tình, lời nói với những người xung quanh. Cứ mỗi sáng thức dậy, tôi lại nhớ bài kệ: 

Thức dậy miệng mỉm cười

Hai bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời.

Nụ cười theo tôi lên lớp học. Tôi mỉm cười cùng các em học sinh. Nụ cười mở đầu cho không  khí thoải mái, vui vẻ của lớp học trong 45 phút. Tất nhiên, nếu trong giờ học có một em học sinh trả lời còn ấp úng hay nghịch ngợm, tôi đã không bực bội hay căng thẳng như những lần trước kia. Cứ thế, tôi nhận ra tâm mình đã bắt đầu tĩnh.  Tôi nhận ra bản thân mình đã điềm tĩnh, điềm đạm. Khi ấy mình sẽ làm chủ được mọi cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực mà không để nó ảnh hưởng tới thân tâm.

Cũng có lần tôi nghe một bài thuyết pháp của một vị thiền sư khác. Đó là một câu chuyện về học cách tâm tĩnh lặng bình thản đón nhận mọi thứ xảy ra đến với mình. Nnững điều thầy nói chính là những mẩu chuyện hằng ngày trong cuộc sống chúng ta. Tôi nhận ra những gì mình đọc được từ cuốn sách "Từng bước nở hoa sen" của Thiền sư Nhất Thích Hạnh hay những bài giảng của các thiền sư khác đã có giá trị với thân tâm mình. Từ đó, điềm đạm luôn là hai chữ xuất hiện ngay trong tâm trí nếu tôi thấy tim mình bắt đầu đập nhanh, giọng mình bắt đầu lớn hơn, sự tức giận bắt đầu gợn sóng. Thở một hơi thật nhẹ, thật dài, nở một nụ cười để tĩnh tâm lại. Cứ như vậy, tôi giúp mình tu tâm dưỡng tính từng ngày. Không nhất thiết phải mặc áo nâu sòng, không nhất thiết phải vào chùa mỗi ngày. Tu tâm dưỡng tính để mình điềm đạm hơn. Đầu năm mới, cả đại gia đình tôi thường lên chùa để cầu an. Tôi đã cầu mong thân mình, tâm mình ngày càng được tĩnh tại để cuộc sống luôn vui vẻ, an hòa. 

Hình ảnh của gia đình của người viết đi chùa ngày Tết

Gần đến ngày Phật đản năm 2023, tôi lại nhớ đến những câu trong Kinh Pháp cú mà Đức Phật đã dạy:

Hãy tự thắp đuốc, tự mình bước đi

Thắp sáng trí tuệ, ngọn đuốc chính pháp.

Như vậy, mỗi ngày tôi đang tự mình học hỏi bằng cách nghe, đọc, thẩm thấu thu được từ những điều mà các bậc Phật Pháp đã truyền giảng. Từ đó, tôi thấy mình càng điềm đạm, tĩnh tâm và càng hạnh phúc với cuộc sống. 

*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Lê Thị Lệ Tình; địa chỉ: Núi Thành, Quận Hải Châu, Thành Phố Đà Nẵng.